Tôi giật mình vì hơn nửa lớp ước mơ thành Tiktoker, Idol Tiktok

Ba mẹ phải là nhà thông thái để hướng các em vào những chuẩn mực nhất định. Và, việc làm hữu hiệu nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm

Không ít lần, tôi bước vào lớp đã thấy khá nhiều học sinh cả nam và nữ vừa nhảy, vừa đọc những câu thật khó hiểu. Lạ là, học sinh dưới lớp lại đồng thanh đọc theo và vỗ tay cười vẻ khoái chí.

Những câu mà tôi thường nghe được từ chính học sinh của mình như “nhà sạch thì mát, bát sạch khỏi rửa”; “Nhan sắc có hạn mà lựu đạn thì có thừa”; “thà khốn nạn công khai còn hơn bọn giả danh thánh thiện”; hay như câu “Thanh xuân như một ly trà, sống mà không khịa thì uống trà không ngon”…

Mới đầu tôi cũng chẳng để ý nên bỏ qua. Cho đến một lần, tôi giật mình khi thấy những cô cậu bé lớp 2 tỏ ra rất hào hứng vừa đọc vừa tán thưởng: “Nhất quỷ nhì ma mà thứ ba chính là đàn bà”; “Em không ăn ảnh nhưng bỏ dấu hỏi thì em ăn được”; “Ôm anh đi em ơi. Ôm anh em ơi”…

Tôi giật mình vì hơn nửa lớp ước mơ thành Tiktoker, Idol Tiktok ảnh 1
Ảnh minh họa: TTXVN

Hoảng hốt, tôi bỗng lớn tiếng: “Ai bày cho các con đọc những câu như thế?” thì gần như cả lớp đều đồng thanh “trend Tiktok” mà cô. Thật tình lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu gì vì gần như tôi không xem Tiktok bao giờ. Thấy cô vẫn còn ngỡ ngàng chưa hiểu, em lớp trưởng đứng lên giải thích: “Là các bạn bắt chước mấy người trên Tiktok á cô”.

Bất ngờ với ước mơ của hơn nửa lớp

Trong một giờ học gần đây, khi hỏi về ước mơ của trẻ, tôi thật sự bất ngờ với những câu trả lời của các em. Lớp học có 32 học sinh, có 4 em ước mơ lớn lên mình sẽ trở thành lính cứu hoả. Các em nói mình rất thích hình ảnh anh hùng của những người lính khi băng mình trong lửa để cứu người dân.

Chưa hết niềm vui, tôi thật sự giật mình, ngoài 4 học sinh thích trở thành người lính cứu hoả chỉ có 2 em muốn trở thành giáo viên, 2 em thích làm hoạ sĩ, 1 em muốn trở thành phi công thì còn hơn 20 học sinh cả nam và nữ ước mong lớn lên mình sẽ trở thành Tiktoker, Idol tiktok, YouTuber.

Trở về với ước mơ của 4 học sinh muốn làm người lính cứu hoả. Thời điểm các em chia sẻ ước mơ cũng là lúc câu chuyện về những người lính cứu hỏa dũng cảm quên mình dập lửa trong các vụ cháy xảy ra ở Hà Nội. Thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều hình ảnh, câu chuyện ca ngợi hành động dũng cảm của người lính cứu hỏa

Một số người lính cứu hoả đã trở thành biểu tượng anh hùng. Có lẽ vì thế cũng đã ảnh hưởng nhiều đến các em học sinh nên một số em ước ao lớn lên mình cũng sẽ trở thành những nhân vật anh hùng như thế.

Truyền thông, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và việc làm của những đứa trẻ dù còn rất hỏ. Bởi thế, với việc tràn lan các clip độc hại trên các nền tảng mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em.

Bên cạnh đó, việc dễ dãi của gia đình, việc thiếu hiểu biết của một số bậc phụ huynh, việc nuông chiều con nên để trẻ tự do cầm điện thoại chơi suốt ngày đêm (trừ những lúc phải đến trường) chẳng khác gì liều thuốc độc thấm dần vào suy nghĩ của các em làm thay đổi cả những hành động chuẩn mực trước đó.

Chị Hiền (đề nghị không nêu tên), phụ huynh của một bé gái học lớp 4 vẫn chưa hết hoảng loạn khi kể về buổi trưa hôm ấy con gái chị xém chút nữa đã bị đám bạn trai cùng lớp xâm hại ngay trong ngôi nhà của chị.

Chị nói, gia đình chị thường đi làm cả ngày. Cô con gái học lớp 4 ở trường về là ăn cơm (chị chuẩn bị sẵn) và xem phim hoặc chơi điện thoại đến đầu giờ tự đi học. Vì sợ con buồn nên anh chị mua luôn cho con chiếc điện thoại thông minh.

Hàng xóm cũng có mấy đứa bạn cùng lớp vẫn thường hay qua nhà chị chơi. Buổi trưa ấy, do để quên đồ nên chị tranh thủ chạy về nhà lấy. Thấy cửa buồng đóng mà có tiếng giằng co, tiếng con chị van vỉ.

Đẩy cửa vào chị hoảng hốt khi thấy 3 đứa con trai bên hàng xóm đang lôi kéo con chị để vật ra giường. Chiếc điện thoại văng bên góc đang chiếu cảnh giường chiếu của một đôi nam nữ nào đó.

Học sinh tiểu học không được mang điện thoại đến trường nhưng học sinh trung học cứ vào giờ ra chơi, từng tốp lại chụm đầu vào nhau để cùng nhau xem Tiktok, hoặc đọc, hát những câu nói theo trào lưu đang nổi.

Để phòng tránh những thông tin độc hại tiêm nhiễm vào trẻ, các thầy cô cũng chỉ biết giáo dục, tuyên truyền cho học sinh trên lớp mỗi ngày nhưng sẽ không có tác dụng gì khi về đến nhà nhiều phụ huynh lại quẳng cho con cái điện thoại để các em tự do truy cập bất tất cả những nội dung gì mà mình thích.

Ba mẹ phải là những nhà thông thái để hướng các em vào những chuẩn mực nhất định. Và, việc làm hữu hiệu nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *