Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình

Bộ GD-ĐT mới đây đã nhắc lại quy định những trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trong đó nêu rõ: giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa.

Cử tri một số địa phương gần đây đã gửi kiến nghị cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm, học thêm.

Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh của mình - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học chờ phụ huynh đến đón sau buổi học thêm

NGỌC DƯƠNG

Trả lời bằng văn bản về kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, về vấn đề dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 quy định về dạy thêm, học thêm. 

Sau khi luật Sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, Thông tư số 17 đã quy định: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục đã được quy định rõ trong Thông tư số 17. Cụ thể: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Sở GD-ĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của UBND cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định. 

Sở GD-ĐT cũng có trách nhiệm tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GD-ĐT khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *