Cảm xúc của người thoát khỏi vụ thảm họa ở Iteawon

“Cảm ơn vì vẫn còn sống để viết những dòng này” đó là những dòng chia sẻ của P.O (28 tuổi), tên thường gọi ở Hàn Quốc là Lee Kang quê ở phường Hưng Dũng, TP. Vinh (Nghệ An) trên một diễn đàn của người Việt ở Hàn Quốc về trải nghiệm kinh hoàng trong thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon, Seoul (Hàn Quốc).

Nhân chứng người Nghệ An nhớ lại giây phút ám ảnh trong thảm kịch Iteawon (Hàn Quốc) ảnh 3

Tối 29/10, hòa cùng dòng người, chàng trai người Nghệ đang làm phiên dịch viên trong lĩnh vực nha khoa tại Hàn quốc cùng em của mình đến dự lễ hội tại con phố Itaewon. Đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul trong 3 năm sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19. Có mặt tại khu phố đêm lúc 21h30, hai anh em vui vẻ đi vòng quanh, hòa vào không khí lễ hội sôi động.

Tuy nhiên, đến 22h thì lượng người tăng đột biến, dòng người bắt đầu chen đẩy nhau, chỉ có nhích được từng bước nhỏ. “Mình đi cùng em mình khá nhỏ nên nó bị ép tới mức cả mặt bị bẹp dí. Dù không to cao, chỉ 1m70, cân nặng 55 kg nhưng mình đã cố hết sức vòng tay che đầu và ngực giúp em ấy, dù cũng đang trong tình trạng bị ép bẹp nhép”, Kang nhớ lại.

Nhân chứng người Nghệ An nhớ lại giây phút ám ảnh trong thảm kịch Iteawon (Hàn Quốc) ảnh 4Nhân chứng người Nghệ An nhớ lại giây phút ám ảnh trong thảm kịch Iteawon (Hàn Quốc) ảnh 2
Khu cảnh khu phố Iteawon vào đêm 29/10 đông nghịt người. Ảnh: NVCC

Ở Seoul, Itaewon là khu phố sầm uất của cả giới trẻ, lẫn du khách nước ngoài khi đến với thủ đô Hàn Quốc. Sự kiện Halloween ở khu phố Seoul biến thành thảm họa tồi tệ bậc nhất ở nước này, cướp đi 153 sinh mạng.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc thông báo đã xác định 1 công dân Việt Nam (sinh năm 2001) thiệt mạng trong vụ việc.

Càng về đêm, dòng người đổ về Iteawon ngày càng đông, ước tính có khoảng 100.000 người đã đổ xô tới khu vực này. Quán bar và nhà hàng chật kín những người. Lúc đó, hai anh em Kang đã quá sức chịu đựng, dự cảm điều không hay có thể xảy ra nên đã cố dùng hết sức để có thể tấp vào lề đường, nơi duy nhất mà họ nghĩ được lúc ấy là có thể giảm được tình trạng đùn đẩy. Đây là quyết định mà giờ ngẫm lại đã giúp hai anh em may mắn thoát khỏi thảm kịch có thể xảy ra với bản thân.

Trong lúc dường như vô vọng vì không thể thoát ra khỏi đám đông ken dày thì may mắn thay lúc đó một người người Hàn cao lớn đứng bên cạnh cũng đang tìm cách tấp vào lề đường nên Kang lách theo và kéo em thoát khỏi dòng người chen lấn. May mắn là chỗ ấy có quầy nhỏ bán đồ trang điểm nên có một khoảng không gian đủ vừa để hai anh em đứng. Khoảng 10 phút sau, Kang nghe tiếng của số người gào lên thất thanh: “Đừng đẩy nữa, tránh đường ra, có người chết rồi này”.

“Nhưng thực sự vô vọng vì nhạc ở các quán ven đường bật rất to át đi, và người cũng quá đông. Mọi người chắc cũng không nghĩ đó là thật, chỉ nghĩ là bị chèn đẩy nhiều quá thì hét lên thế thôi. Dòng người vẫn cứ chen đẩy nhau không dừng. Hai anh em mình cũng không nghĩ đó là thật nhưng vẫn đứng tấp vào lề đường cho an toàn”, Kang kể.

Sau tầm khoảng 20, 30 phút, bảo vệ của các quán và người dân khiêng nhiều người chạy ra ngoài thì lúc ấy đám đông mới bắt đầu mở đường ra một chút. Loa đài vẫn bật lớn, mọi người vẫn nhảy nhót và đứng tràn đường.

Khoảng 23h thì cảnh sát đến dẹp đường. Chắc lúc này, mọi người cũng đã dần biết có sự cố nên có nhiều tình nguyện viên đứng ra cùng mở đường hơn nhưng cũng rất khó vì dòng người vẫn rất đông và lại càng có nhiều người hiếu kỳ đổ lại xem.

Sau đó một lúc, Kang thấy lính cứu hỏa, lực lượng cứu hộ và bác sĩ, y tá và phóng viên các báo, đài đến ngày càng nhiều. Từ lúc ấy, có lẽ hầu hết mọi người ở đấy hầu như đã nhận ra là có biến cố thật sự và dẹp mở đường để cứu hộ khiêng các nạn nhân ra ngoài.

Nhân chứng người Nghệ An nhớ lại giây phút ám ảnh trong thảm kịch Iteawon (Hàn Quốc) ảnh 5

“Ám ảnh lắm anh ơi! Nhìn người chết cả dãy nằm lăn lóc ở đường”, Kang bàng hoàng kể lại với phóng viên. “Em nghe người ta hét lên, ai không còn thở thì để lại một góc, chỉ ưu tiên khiêng những người tim còn đập chạy ra ngoài. Tới 2h sáng 30/10 hơn hoạt động giải cứu vẫn diễn ra liên tục”.

Chứng kiến khung cảnh kinh hoàng, nhưng anh em Kang vẫn khó thoát ra ngoài vì dòng người đông đúc, không khí hoảng loạn bao trùm. Đến khoảng 3h sáng, hai người mới đi bộ ra được khu vực xa Iteawon và gọi người thân đến đón về nhà vì đường bị phong tỏa.

“Mình bị ép nên đến giờ còn hơi tức ngực và buồn nôn nhưng dẫu sao cũng may mắn hơn nhiều người khi thoát khỏi thảm kịch. Xin chia buồn sâu sắc với các nạn nhân”, nam thanh niên quê Nghệ An chưa hết bàng hoàng kể lại vào sáng 31/10 với phóng viên.

 

Ngày 30/10/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng thống Yoon Suk Yeol và gia đình các nạn nhân trong vụ giẫm đạp xảy ra tại phường Itaewon, quận Yongsan, thành phố Seoul (Hàn Quốc) làm nhiều người thiệt mạng và bị thương vào tối 29/10.

Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi lời chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin: “Tôi cảm thấy bàng hoàng và lấy làm tiếc về thảm kịch ở Yongsan, Seoul. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin và gia đình những người đã thiệt mạng”.

Chiều 30/10, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã có thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ chia buồn trước sự việc này và khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán trong việc hỗ trợ những nạn nhân của vụ việc.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã ra khuyến cáo, đề nghị công dân có thêm thông tin về người Việt có thể là nạn nhân của vụ việc thông báo với Cục Lãnh sự để được hỗ trợ. Đại diện Cục Lãnh sự cũng đã liên hệ, chia buồn với gia đình nạn nhân tại Việt Nam và trao đổi về các hướng xử lý tiếp theo.

Các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã thiết lập Nhóm công tác để tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Hàn Quốc xử lý các vấn đề hậu sự theo nguyện vọng của gia đình nạn nhân, đồng thời, tiếp tục sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có thêm nạn nhân là công dân Việt Nam.

Công dân Việt Nam trong trường hợp cần trợ giúp có thể liên hệ với Tổng đài Bảo hộ Công dân, Bộ Ngoại giao: (+84) 981.84.84.84 hoặc qua đường dây nóng (+82)10.6315.6618 của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *