Bộ Y Tế dự kiến giá khám chữa bệnh sẽ tăng thêm 9% vào năm 2024

Bộ Y tế dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý.

Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 11/7, lương cán bộ y tế là một trong những yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Nếu tính chi phí do điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 5%. Dự kiến, Quỹ Bảo hiểm y tế tăng 2.700 tỷ đồng mỗi năm, nằm trong khả năng cân đối. Phương án tăng có thể được áp dụng ngay trong tháng 7.

Nếu tính thêm chi phí quản lý, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 4%, dự kiến chi Quỹ Bảo hiểm y tế khoảng 2.180 tỷ đồng mỗi năm. Khoản tăng này dự kiến được áp dụng sau một năm nữa.

Như vậy, tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở mới và chi phí quản lý, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 9%. Năm 2021, Quỹ Bảo hiểm y tế dư 14.368 tỷ đồng, lũy kế kết dư 50.300 tỷ đồng, có khả năng cân đối.

Bộ Y tế cho biết sẽ đánh giá chi phí khấu hao theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa, đề xuất lộ trình từng bước tính khoản này vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Việc tính toán sẽ đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của người bệnh, tình hình kinh tế xã hội. Phương án tăng này dự kiến áp dụng từ cuối năm 2025.

Theo Bộ Y tế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh. Những người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% hoặc 5% thì “khoản giá tăng thêm không nhiều”, họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.

Bệnh nhân tại khoa Thần Kinh, đợn vị Đột Quỵ não- Bệnh viện Bạch Mai, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Bệnh nhân tại khoa Thần Kinh, đợn vị Đột Quỵ não- Bệnh viện Bạch Mai, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Đầu năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, quy định giá toàn bộ dịch vụ khám chữa bệnh gồm nhiều loại chi phí khác nhau cộng lại.

Đó là chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, các khoản đóng góp theo lương và phụ cấp của cán bộ y tế); chi phí trực tiếp gồm thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng vụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng khám chữa bệnh, khấu hao thiết bị, cũng được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Các loại chi phí này được cộng lại nhằm giải quyết vấn đề “tính đúng tính đủ” giá khám chữa bệnh mà thời gian qua nhiều bệnh viện phản ánh “lạc hậu”.

BV Bạch Mai tăng giá khám chữa bệnh, Bộ yêu cầu dừng

Đầu tháng 6, Tổng cục Thống kê ước tính, nếu giá dịch vụ y tế tăng 10% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm 0,41%.

Tại cuộc họp về tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh chiều qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói việc tính đúng, đủ cùng lộ trình tăng giá khám chữa bệnh nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện công lập nâng cao chất lượng. Cán bộ y tế được đảm bảo chế độ để “giữ chân” người có trình độ chuyên môn cao; có thêm nguồn vốn tập trung đầu tư cho các bệnh viện vùng xa, khó khăn.

Ông Hà yêu cầu Bộ Y tế tính toán tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh cần đặt trong mối quan hệ với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế.

Theo Báo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *