Vulva Spaceship – ý tưởng về tàu không gian hình âm hộ nhằm nâng bình đẳng giới lên tầm vũ trụ

Một nhóm nghệ thuật nữ quyền của Đức vừa đề xuất concept thiết kế tàu ​​vũ trụ hình âm hộ và vận động Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency) giúp hiện thực hóa ý tưởng này để đại diện tốt hơn cho loài người trong không gian và “khôi phục bình đẳng giới trong vũ trụ.”

Nhóm Wer Braucht Feminismus? (WBF?), có nghĩa là “Ai Cần Nữ quyền?”, đã nghĩ ra ý tưởng về Vulva Spaceship để thách thức quy ước thiết kế tàu vũ trụ thông thường vốn đa số có hình dạng như bộ phận sinh dục nam.

Chiếc tàu không gian có hình dạng mô phỏng bộ phận sinh dục nữ này được thiết kế để kêu gọi sự hoà nhập và công bằng. Nhóm thiết kế cũng đã tạo một bản kiến ​​nghị trên trang change.org kêu gọi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu xem xét dự án.

Tổ chức này cho biết: “Dự án bổ sung thêm một cái nhìn khác để đại diện cho loài người trong không gian và muốn nói với thế giới rằng bất kỳ ai cũng có vị trí trong vũ trụ, bất kể bộ phận sinh dục của họ có là gì”.

WBF? lập luận rằng ngoài thiết kế mang tính biểu tượng, hình dáng này của con tàu mang lại sự hiệu quả về “khí động học một cách đáng ngạc nhiên” vì hình chữ V tạo ra lực cản nhỏ khi con tàu rời khỏi bầu khí quyển của Trái đất – đồng thời chứng minh rằng hình dạng trụ tròn hiện tại của đa số các tàu không gian không hẳn là thiết kế tối ưu nhất.

“Chúng tôi muốn khôi phục bình đẳng giới trong vũ trụ”, nhóm này cho biết. “Chúng tôi không ngại thách thức khuôn khổ thường thấy trong du hành vũ trụ: những hình dạng mới trong không gian sẽ cách mạng hóa suy nghĩ, hành động của chúng ta và mọi thứ chúng ta từng nghĩ là đúng.”

Các tweet gần đây từ WBF? bao gồm một câu nói của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian: “Một con chim không thể bay chỉ với một cánh. Các chuyến du hành vũ trụ của loài người không thể phát triển hơn nữa nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ.”

Nhóm cũng đã chia sẻ sự thật lịch sử về những người phụ nữ du hành vũ trụ với hashtag #spaceisforeveryone cùng slogan “It’s time for new symbols in space” (Đã đến lúc cho các biểu tượng mới trong không gian).

“Không gian là dành cho tất cả mọi người!”, Jasmin Mittag, người sáng lập WBF? nói. “Với sứ mệnh của mình, chúng tôi chứng minh với thế giới rằng bình đẳng giới thậm chí còn có vị trí trong không gian. Chúng tôi không chỉ truyền cảm hứng cho du hành vũ trụ mà còn viết lại câu chuyện về giới”. Mittag, vốn là một nghệ sĩ và nhà hoạt động, thành lập WBF? vào năm 2012 để thu hút sự chú ý đến các vấn đề nữ quyền và truyền cảm hứng cho mọi người cùng xây dựng bình đẳng giới.

Mặc dù hầu hết các tàu vũ trụ đều có hình dạng thuôn dài, gần đây đã có một số giải pháp thay thế khác như Spaceship Neptune của công ty du lịch vũ trụ Space Perspective, với tàu vũ trụ dạng hình cầu như những củ hành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *