Sá xị Chương Dương vẫn lỗ nặng

Với khoản lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý gần nhất, tổng lỗ lũy kế của Nước giải khát Chương Dương đã vượt 46 tỷ, chiếm gần 55% vốn góp của chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính quý II của Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD) mới công bố cho thấy hoạt động kinh doanh của nhà máy nước ngọt nổi tiếng TP.HCM này vẫn chưa hết khó khăn dù dịch Covid-19 đã được khống chế và các hoạt động tiêu dùng của người dân trở lại bình thường.

Cụ thể, trong 3 tháng kinh doanh gần nhất, Chương Dương đã ghi nhận gần 47 tỷ đồng doanh thu thuần. Dù không tăng so với quý liền trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2021, mức doanh thu kể trên đã tăng hơn gấp đôi.

Đi cùng đà tăng mạnh của doanh thu là biên lãi gộp cải thiện từ mức 5,68% lên 23,38%, qua đó giúp nhà sản xuất nước giải khát này thu về gần 11 tỷ đồng lãi gộp trong quý II, cao gấp 8,3 lần cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tương tự các quý gần nhất, dù ghi nhận lãi gộp từ hoạt động kinh doanh nhưng phần lợi nhuận này của Chương Dương thường xuyên không đủ bù đắp hết chi phí phát sinh trong kỳ khiến nhà máy nước ngọt này thường xuyên thua lỗ.

Trong quý gần nhất, dù lãi gộp đã tăng gấp nhiều lần nhưng việc chi phí bán hàng tăng gần 80% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23% đã bào mòn hết phần lợi nhuận của công ty.

tỷ đồngNHÀ MÁY NƯỚC NGỌT CHƯƠNG DƯƠNG THUA LỖ 6 QUÝ LIÊNTIẾPKết quả kinh doanh gần đây của Nước giải khát Chương DươngDoanh thu thuầnLợi nhuận sau thuếI/2020IIIIIIVI/2021IIIIIIVI/2022II-40-20020406080

Kết quả là nhà máy nước ngọt tại quận 1, TP.HCM tiếp tục có thêm một quý thua lỗ gần 10 tỷ đồng. Trong quý II/2021, nhà máy nước ngọt này cũng ghi nhận hơn 23 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 13,6 tỷ.

Với quý thua lỗ gần nhất, Chương Dương đã nối dài chuỗi thua lỗ của nhà máy lên 6 quý liên tiếp, xoáy sâu vào khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Đến cuối tháng 6, công ty này đã lỗ lũy kế 46,5 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn góp của chủ sở hữu.

Dù chưa thoát lỗ, ban lãnh đạo Chương Dương vẫn đánh giá quý vừa qua có kết quả kinh doanh cải thiện nhờ sản lượng bán hàng cao hơn và việc tiếp tục đầu tư mạnh vào hoạt động marketing, bán hàng, tối ưu hóa các chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, cũng trong quý này, công ty lại bị ảnh hưởng mạnh bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.

Như vậy, tính trong nửa đầu năm, nhà máy nước giải khát này đã ghi nhận hơn 96 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ nhưng vẫn lỗ sau thuế 13,4 tỷ đồng.

Trong năm nay, Chương Dương đặt mục tiêu 327 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 3,5 tỷ đồng. Sau nửa năm, công ty này mới hoàn thành chưa đầy 30% kế hoạch doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng lợi nhuận nào.

Hiện tại, Chương Dương vẫn hoạt động với vai trò là công ty con phụ trách hoạt động sản xuất nước giải khát của Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong đó, Sabeco hiện nắm 62,06% vốn Chương Dương. Hiện nhiều lãnh đạo của Sabeco cũng đang đảm nhiệm vai trò quản lý cấp cao trong Ban quản trị và điều hành của Chương Dương.

Tại thị trường trong nước, Chương Dương từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía nam với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng nước giải khát nước ngoài với chiến lược marketing hiệu quả, mạng lưới phân phối rộng, nước ngọt con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.

Lãnh đạo công ty này từng thừa nhận mạng lưới phân phối và bán hàng của Chương Dương đã suy giảm theo ngành hàng và công ty chưa có đủ nguồn lực, khả năng để phục hồi nhanh như các công ty đứng đầu thị trường. Trong khi đó, những ông lớn trong ngành còn bán phá giá, ký hợp đồng độc quyền với điểm bán, gây áp lực cho công ty về giá, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *