Đặng Lê Nguyên Vũ vô địch Đường lên đỉnh Olympia

Đặng Lê Nguyên Vũ trở thành nhà vô địch Olympia đầu tiên của Thái Bình với 205 điểm, sau khi trả lời đúng câu hỏi cuối cùng trong phần thi Về đích của Đình Tùng.

  • Nguyên Vũ vỡ òa trong khoảnh khắc người dẫn chương trình công bố “Nhà vô địch Olympia năm nay đến từ Thái Bình”. Vũ cho biết em không thực sự chắc chắn khi bấm chuông trả lời câu hỏi Toán học quyết định, nhưng nếu không mạo hiểm, em sẽ không có cơ hội vô địch Olympia.

    Ở độ tuổi 17, Vũ cho rằng danh hiệu quán quân Olympia là thành tích lớn, bởi sân chơi này là mơ ước của hàng triệu học sinh Việt Nam. Dù vậy, Vũ khẳng định sẽ không ngủ quên trên chiến thắng, vì “cuộc đời còn dài và vẫn còn nhiều đỉnh cao cần chinh phục”.

    -3810-1664683181.jpg

    Nguyên Vũ trong thời khắc biết mình là người chiến thắng Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22. Ảnh: Tùng Đinh

  • 10h36

    Nguyên Vũ vô địch Olympia nhờ trả lời câu hỏi của Đình Tùng

    -8527-1664682719.jpg

    Đặng Lê Nguyên Vũ (giữa) giành phần thưởng 40.000 USD cho ngôi quán quân Olympia năm thứ 22. Ảnh: Tùng Đinh

    Câu hỏi cuối cùng trong gói Về đích của Đình Tùng thuộc lĩnh vực Toán học, em không thể đưa ra câu trả lời đúng nên Nguyên Vũ đã bấm chuông giành quyền trả lời.

    Nếu trả lời đúng, Nguyên Vũ giành chiến thắng. Nếu sai, người giành vòng nguyệt quế là Nguyên Sơn. Cả trường quay chìm trong yên lặng. Đến khi người dẫn chương trình công bố “Nguyên Vũ vô địch”, cả trường quay vỡ oà. Nguyên Vũ giành thêm 30 điểm, tổng 205.

    Đặng Lê Nguyên Vũ trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 22.

    Tổng điểm các thí sinh

    Nguyên Vũ 205
    Nguyên Sơn 185
    Anh Đức 75
    Đình Tùng 35
  • 10h35

    Đình Tùng chọn ba câu hỏi 3 điểm, nam sinh có 65 điểm trước phần thi Về đích. Câu hỏi đầu tiên về tấm bản đồ địa lý nào vẽ năm 1838 có ghi tên Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa, đáp án của Tùng đưa ra là Đại Nam thống nhất toàn đồ được nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá chính xác.

    Ở câu hỏi thứ 2 về tiếng Anh về nhà thơ nữ nêu ra một số quan điểm nữ quyền cách đây 200 năm trước, Tùng không đưa được ra câu trả lời. Nguyên Sơn giành quyền trả lời với đáp án “Hồ Xuân Hương”, giành 30 điểm, nâng tổng số điểm của mình lên 185 điểm.

    -5707-1664683790.jpg

    Đình Tùng trong câu hỏi cuối phần thi Về đích. Ảnh: Tùng Đinh

  • 10h34

    Nguyên Sơn soán ngôi dẫn đầu của Nguyên Vũ

    Giành điểm từ câu hỏi tiếng Anh của Đình Tùng, Nguyên Sơn có 30 điểm, tổng 185 và vươn lên dẫn đầu. Nguyên Vũ hiện có 175, kém Nguyên Sơn 10 điểm.

  • 10h15

    Anh Đức không trả lời đúng câu nào trong gói Về đích

    -3936-1664681871.jpg

    Anh Đức trong phần thi Về đích. Ảnh: Tùng Đinh

    Anh Đức là thí sinh thứ ba bước vào phần thi Về đích. Trước khi bắt đầu chọn gói câu hỏi của mình, Anh Đức đã hai lần bấm chuông giành quyền trả lời từ phần thi của Nguyên Vũ và Nguyên Sơn nhưng đều không đưa ra đáp án đúng, bị trừ tổng 25 điểm. Em hiện có 105 điểm và kém Nguyên Vũ, Nguyên Sơn lần lượt 70 và 65 điểm.

    Từ cầu truyền hình tại Sơn La, thầy giáo của Đức gửi lời chúc em tự tin, thoải mái và chơi phần Về đích xuất sắc.

    Anh Đức chọn gói ba câu hỏi 20 – 30 – 30 điểm. Câu đầu tiên hỏi về hai tỉnh mà sông Mêkong đi qua đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Anh Đức không thể đưa ra đáp án đúng là Đồng Tháp và An Giang; Đình Tùng bấm chuông nhưng cũng trả lời sai. Tùng bị trừ 10 điểm, Anh Đức không bị trừ.

    Câu hỏi tiếp theo diễn ra tương tự câu một, nhưng thuộc lĩnh vực Hoá học. Sau khi Anh Đức không đưa ra đáp án, Đình Tùng bấm chuông và cũng trả lời sai, tiếp tục bị trừ thêm 15 điểm.

    Câu hỏi Lịch sử cuối cùng giá trị 30 điểm đã làm khó Anh Đức. Trong những giây cuối cùng, Đức đã hài hước nói “Câu hỏi này em không biết, em mời ba bạn còn lại”. Nguyên Sơn bấm chuông, dõng dạc trả lời và điều này khiến Nguyên Vũ ngồi thụp xuống vì lo lắng. Bởi Sơn đang có 170 điểm, chỉ kém Vũ 5 điểm. Nếu trả lời đúng, Sơn sẽ soán ngôi dẫn đầu của Vũ. Tuy nhiên, may mắn cho Nguyên Vũ, Nguyên Sơn trả lời sai và chàng trai Thái Bình vẫn đứng đầu.

    Anh Đức kết thúc phần thi Về đích, còn 75 điểm. Lúc này, chỉ còn Đình Tùng chưa Về đích. Nam sinh Hải Phòng đang có 65 điểm. Nguyên Sơn 155, Nguyên Vũ vẫn đứng đầu với 175 điểm.

  • 10h00

    Các thí sinh bước vào phần thi Về đích

    Nguyên Vũ – thí sinh dẫn đầu đoàn leo núi sau ba phần thi với 175 điểm – là thí sinh thi Về đích đầu tiên.

    Đội bóng yêu thích của Vũ là Manchester United. Do đó, các cổ động viên tại Thái Bình cùng bà và em gái của Vũ đã cùng nhảy động tác ăn mừng mỗi khi ghi bàn của Christiano Ronaldo – cầu thủ nổi tiếng đang thi đấu cho Manchester United. “Em thực sự làm chúng tôi tự hào. Chúng ta cần phong độ và sự bình tĩnh để hoàn thành tốt phần thi này”, MC Trần Ngọc nhắn nhủ từ Thái Bình.

    -4224-1664680441.jpg

    Nguyên Vũ trong phần thi Về đích. Ảnh: Tùng Đinh

    Nguyên Vũ chọn ba câu hỏi giá trị 20 điểm. Nam sinh trường Bắc Duyên Hà trả lời đúng ngay câu đầu tiên về Hoá học, giành 20 điểm.

    Trước khi bước vào câu hỏi thứ hai, Nguyên Vũ chọn ngôi sao hy vọng. Dù vậy, câu hỏi Toán học này đã làm khó em, khiến Vũ không thể đưa ra đáp án. Anh Đức bấm chuông nhưng trả lời sai. Cả hai thí sinh bị trừ 20 điểm do đây là câu hỏi có ngôi sao hy vọng.

    Câu hỏi thứ ba hỏi về di tích tại Cà Mau, năm 1962 đón chuyến tàu đầu tiên của đoàn tàu không số cập bến, khai sinh tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguyên Vũ trả lời “đất mũi” nhưng không đúng, Nguyên Sơn giành quyền trả lời nhưng cũng không giành điểm, đồng thời bị trừ 10 điểm.

    Kết thúc phần thi Về đích, Nguyên Vũ có 175 điểm.

  • 9h50
    -1843-1664679635.jpg

    Các thí sinh sau phần thi Tăng tốc. Ảnh: Đinh Tùng

  • 9h45

    Nguyên Vũ tiếp tục dẫn đầu sau phần thi Tăng tốc

    Phần Tăng tốc chứng kiến sự bứt phá và thay đổi điểm số đáng kể của các thí sinh, bởi phần này có điểm tối đa lên tới 160.

    Tạm thời là thí sinh đứng cuối đoàn leo núi, Đình Tùng cho thấy rõ sự quyết tâm. Trong câu hỏi đầu tiên về nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn thông qua các công trình như đường dây điện 500 kV, nhà máy lọc dầu Dung Quất…, Đình Tùng chỉ cần chưa đến 3 giây để đưa ra đáp án cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và giành 40 điểm.

    -8601-1664678773.jpg

    Nguyên Sơn và Nguyên Vũ cũng đưa ra đáp án này, lần lượt giành 30 và 20 điểm. Anh Đức trả lời sai và không có điểm.

    Câu hỏi thứ hai yêu cầu bốn thí sinh sắp xếp thứ tự các sự kiện kỷ niệm diễn ra trong năm 2022. Không thí sinh nào trả lời đúng câu hỏi về Lịch sử này.

    Tại câu hỏi thứ ba về suy luận, tư duy, chương trình cho một chiếc đồng hồ với độ dài ba kim bằng nhau, yêu cầu các thí sinh chỉ ra đâu là kim phút. Nguyên Vũ và Anh Đức trả lời đúng, giành 40 và 30 điểm; Đình Tùng và Nguyên Sơn không giành điểm.

    Câu hỏi cuối cùng cung cấp các dữ kiện các thí sinh tìm ra đáp án “Internet”. Cả bốn đều trả lời đúng, trong đó Nguyên Sơn 40 điểm, Anh Đức 30, Đình Tùng 20 và Nguyên Vũ 10.

    Kết thúc phần thi Tăng tốc, Nguyên Vũ tiếp tục dẫn đầu với 175 điểm. Nguyên Sơn đứng thứ hai với 140, Anh Đức 130 và Đình Tùng 90.

  • 09h20

    Nguyên Vũ dẫn đầu Vượt chướng ngại vật

    Nhiệm vụ của bốn nhà leo núi ở phần thi Vượt chướng ngại vật là tìm ra ẩn số gồm 16 chữ cái.

    Đình Tùng là thí sinh đầu tiên bước vào phần thi Vượt chướng ngại vật. Nam sinh chọn hàng ngang số 3 với 4 chữ cái. Câu hỏi yêu cầu tìm từ còn thiếu trong đoạn thơ: “Non xanh đã biết hay chưa/… đi ra để lại mưa về nguồn (Tản Đà).

    Tùng là người đầu tiên ấn chuông trả lời. Không khí trường quay trở nên hồi hộp khi MC của chương trình ngắt lời Tùng, hỏi lại em đã đếm tổng số chữ cái trong câu trả lời chưa. Tùng đáp đã đếm và cho biết dựa vào từ hàng ngang để đưa ra đáp án.

    “Nếu không liều, em sẽ rất tiếc”, Tùng nói khi người dẫn chương trình thắc mắc em có liều không?

    Tuy nhiên, đáp án của Tùng chưa chính xác và cơ hội dành cho các thí sinh còn lại. Nguyên Sơn đưa ra đáp án “Sông”; Nguyên Vũ và Anh Đức đều chọn “Nước”. Ở câu hỏi đầu tiên, Nguyên Vũ và Anh Đức là những người giành được điểm 10 đầu tiên.

    Sau Đình Tùng, Nguyên Sơn bước vào phần thi thứ hai trả lời câu hỏi. Em chọn hàng ngang thứ 4 gồm 6 chữ cái với câu hỏi: “Trong mạng điện gia đình, aptomat là thiết bị tự động có chức năng thay thế cho cả cầu chì và thiết bị điện nào?”.

    Cơ hội trả lời được nhường lại cho ba nhà leo núi còn lại sau khi Đình Tùng không bấm chuông. Với câu trả lời “cầu dao”, đại diện THPT chuyên Sơn La là người duy nhất có thêm 10 điểm.

    Nguyên Vũ chọn hàng ngang số 2 với 7 chữ cái về lũ nhưng sau đó chưa đưa ra được câu trả lời. Ở câu hỏi này, Nguyên Sơn và Nguyên Vũ cùng giành điểm với đáp án “báo động”.

    Câu hỏi ở hàng ngang cuối cùng chỉ gồm một chữ cái: “Việt Nam hiện có bao nhiêu tỉnh có tên bắt đầu bằng chữ cái N?” Tuy nhiên, đáp án của các thí sinh đưa ra chưa chính xác.

    -8447-1664679666.jpg

    Nguyễn Sơn và Anh Đức chia sẻ cảm xúc khi trả lời câu hỏi. Ảnh: Đình Tùng

    Ở ô trung tâm có 4 chữ cái, các thí sinh được nghe bài hát và phải tìm từ còn thiếu trong câu hát. Nguyên Vũ và Anh Đức là hai nhà leo núi ghi được điểm ở câu hỏi này với đáp án “cháy”.

    Nguyên Sơn và Anh Đức có tín hiệu trả lời cho chướng ngại vật hôm nay. Nguyên Sơn tự tin với phần trả lời của mình, trong khi Anh Đức tỏ ra tiếc nuối. Đáp án chính xác thuộc về Nguyên Sơn.

    Kết thúc phần thi Vượt chướng ngại vật, Nguyên Vũ dẫn đầu với 105 điểm, Nguyên Sơn và Anh Đức cùng xếp thứ hai khi chia sẻ 70 điểm. Đình Tùng về thứ ba với 30 điểm.

  • 9h15

    Thí sinh bước vào phần thi Khởi động

    Trước khi phần thi Khởi động bắt đầu, bốn thí sinh giới thiệu về ý nghĩa màu sắc của chiếc ruy băng đang đeo trên cổ tay. Đình Tùng đeo màu xanh dương, em cho biết đây là màu của biển, giúp em nhớ về thành phố biển Hải Phòng. Xanh dương cũng là màu đặc trưng trên áo đồng phục của trường THPT chuyên Trần Phú. Nguyên Sơn đeo ruy băng đỏ, màu của sự nhiệt huyết.

    Nguyên Vũ có chiếc ruy băng vàng trên tay. “Vàng là màu của chiến thắng, của huy chương vàng. Màu sắc này cũng gợi em về màu lúa chín – đặc trưng của quê hương Thái Bình”, Vũ nói. Còn với Anh Đức, em đeo ruy băng xanh lá. Đức cho biết đây là màu của núi rừng Sơn La, nên em mang theo đến cuộc thi. Xanh lá cũng là biểu tượng của sự bất khuất, niềm tin và không bỏ cuộc.

    -9431-1664677762.jpg

    Các thí sinh bước vào phần thi Khởi động. Ảnh: Tùng Đinh

    Lượt thi Khởi động đầu tiên có 10 câu hỏi. Nguyên Vũ là thí sinh bấm chuông nhiều lần nhất – bốn lần, trong đó hai câu trả lời đúng, hai câu sai. Đình Tùng cũng năng nổ giành quyền trả lời trong lượt chơi này, nhưng với một câu đúng và hai câu sai, Tùng không có điểm do mỗi câu sai bị trừ 5 điểm.

    Tại lượt thi Khởi động thứ hai, Đình Tùng dường như gặp tâm lý. Em tiếp tục trả lời sai tương đối nhiều. Trong khi đó, ba thí sinh còn lại có vẻ bắt nhịp tốt hơn. Nguyên Vũ, Nguyên Sơn và Anh Đức liên tiếp giành điểm.

    Trong lượt thi thứ ba – nhiều thời gian và câu hỏi nhất – Nguyên Vũ bứt phá, liên tiếp đưa câu trả lời đúng. Nguyên Sơn cũng là thí sinh giành điểm nhiều tại phần này, kế đó là Anh Đức.

    Sau ba lượt chơi, Anh Đức cho biết em ấn tượng với câu hỏi về bảng tuần hoàn Hoá học vì “trúng tủ”, Nguyên Vũ thích câu hỏi về Bức thư đoạt giải nhất cuộc thi UPU 2022. Trong khi đó, Nguyên Sơn lại nhớ câu hỏi về Tổng bí thư được đào tạo thành phi công, còn Đình Tùng “thích những câu mình trả lời đúng”.

    Phần thi Khởi động khép lại, Nguyên Vũ có 75 điểm và tạm thời dẫn đầu. Đây là điểm số không nhiều thí sinh đạt được từ khi phần Khởi động đổi luật chơi. Kế đó, Nguyên Sơn 50, Anh Đức 40 và Đình Tùng 30.

  • 08h49

    Bốn thí sinh giới thiệu bản thân

    Trong video giới thiệu bản thân, Đình Tùng giới thiệu về Đồ Sơn, Nhà hát lớn Hải Phòng, tượng đài tướng Lê Chân và “food tour” – những địa điểm nổi tiếng và văn hoá đặc trưng của thành phố Hải Phòng.

    -5064-1664676457.jpg

    Đình Tùng trước phần thi Khởi động. Ảnh: Tùng Đinh

    Sau khi chia sẻ về những trải nghiệm ý nghĩa tại Olympia mà mình đã vượt qua, Tùng kể về mẹ. Nam sinh chuyên Trần Phú cho biết mẹ đã hy sinh rất nhiều để các con được thực hiện ước mơ của mình.

    Niềm đam mê với Lịch sử của Tùng cũng được truyền cảm hứng từ mẹ. Giáo viên của Tùng nhận xét dù là học sinh chuyên Toán, nam sinh có kiến thức xã hội rộng, trong đó đặc biệt là Lịch sử. Tùng cho biết tham gia Olympia là cơ hội để em khám phá và hoàn thiện bản thân, do đó dù kết quả ra sao, đây vẫn là hành trình ý nghĩa với em.

    Tại điểm cầu trực tiếp đặt tại Nhà hát lớn Hải Phòng, MC Thế Bảo là “người cầm trịch”. Dù trời mưa nhỏ, cổ động viên vẫn hào hứng, mặc áo mưa để cổ vũ Đình Tùng.

    Nguyên Sơn là thí sinh thứ hai giới thiệu về bản thân mình. Nam sinh thể hiện niềm tự hào khi là học sinh tiếp theo sau 12 mang lại cầu truyền hình về cho THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Sơn chia sẻ, sau thời gian dài dịch bệnh, Hà Nội cũng trở lại với nhịp sống tràn đầy sức sống. Ngôi trường Amsterdam của Sơn cũng trở lại với cái tên “ngôi trường không ngủ” và bản thân em cũng trở thành một con người mới khi đến với hành trình Olympia.

    -1508-1664676459.jpg

    Vũ Nguyên Sơn. Ảnh: Tùng Đinh

    Thầy cô của Sơn nhận xét Sơn “lột xác” khi tham gia Olympia. Bản thân Sơn cảm thấy chặng đường trận chung kết đầy thử thách nhưng hy vọng mọi thứ sẽ đảo chiều.

    Không khí cổ vũ tại điểm cầu trực tiếp tại Văn Miếu Quốc tử giám như “bùng nổ khi thầy cô và các bạn của Nguyên Sơn cổ vũ em

    Nguyên Vũ bắt đầu video giới thiệu bản thân bằng câu nói nổi tiếng của nhà bác học Lê Quý Đôn – danh nhân nổi tiếng quê Thái Bình. Những làng nghề nổi tiếng tại Thái Bình như làm bánh đa, làm chiếu được Vũ khéo léo giới thiệu trong video của mình.

    -2025-1664676459.jpg

    Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Tùng Đinh

    Vũ được nhận xét là học sinh toàn diện. Là lớp trưởng, Vũ có tố chất lãnh đạo, luôn chủ trì các sự kiện của lớp. Ngoài ra, em còn thông minh, nhanh nhẹn và luôn chủ động lên kế hoạch cá nhân.

    Nam sinh trường Bắc Duyên Hà cho biết môn yêu thích là Toán, dự định theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.

    Sau phần giới thiệu của Nguyên Vũ, cổ động viên tại Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn biểu diễn tiết mục nhảy dân vũ trong trang phục áo dài truyền thống. Người dẫn chương trình Trần Ngọc gửi lời chúc chiến thắng tới “chàng trai quê lúa”, khẳng định “chúng tôi tin em sẽ làm hết sức mình”.

    Anh Đức mở đầu phần giới thiệu bản thân bằng hình ảnh ngôi nhà thân yêu, nơi có tình yêu thương của bố mẹ. Nơi em sinh ra và lớn lên cách thành phố hơn 30 km. Ước mơ lớn nhất của Anh Đức là trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu những danh lam thắng cảnh, văn hóa và con người Sơn La tới du khách khắp thế giới và giúp đỡ kinh tế cho gia đình.

    -7470-1664676459.jpg

    Vũ Anh Đức. Ảnh: Tùng Đinh

    Nam sinh đưa khán giả tới thăm Mai Sơn – quê hương em cũng là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc; giới thiệu các sản vật trái cây của quê nhà và ngôi trường THPT chuyên Sơn La nơi mang đến cho em kiến thức. Trong mắt các thầy cô, Anh Đức là học sinh nghị lực vươn lên dù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Họ hy vọng em sẽ tạo nên điều kỳ diệu trong trận đấu quan trọng hôm nay.

  • 8h30

    Cuộc thi bắt đầu

    Trận chung kết Olympia năm thứ 22 bắt đầu bằng phần giới thiệu ngắn về hành trình tiến vào trận đấu cuối cùng của bốn thí sinh, sau đó là tiết mục biểu diễn của ca sĩ Đức Phúc.

    -1850-1664674844.jpg

    Bốn thí sinh trước trận đấu. Ảnh: Tùng Đinh

    Các thí sinh lần lượt xuất hiện trên sân khấu theo thứ tự đã bốc thêm ngày 30/9. Đình Tùng sẽ thi đấu ở vị trí đầu tiên. Ba vị trí còn lại là Nguyên Sơn, Nguyên Vũ và Anh Đức.

  • 8h05

    Vòng nguyệt quế được mang ra sân khấu

    Người dẫn chương trình Ngọc Huy mang vòng nguyệt quế mạ vàng 24K – phần thưởng dành cho người chiến thắng lên giữa sân khấu. Vòng nguyệt quế năm nay có phần giống năm 2020, khi Thu Hằng (cựu học sinh trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) là quán quân.

    -8913-1664674447.jpg

    Vòng nguyệt quế được mang ra sân khấu. Ảnh: Tùng Đinh.

    Các thí sinh lần lượt giới thiệu về bản thân để thử micro, nhấn chuông nhằm đảm bảo thiết bị vận hành trơn tru trước khi cuộc thi diễn ra. Các em chụp hình lưu niệm, bày trí bàn thi đấu cá nhân và tranh thủ giao lưu với khán giả trong trường quay.

  • 08h00

    Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 bắt đầu lúc 8h30 với sự tranh tài của bốn thí sinh: Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La, Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội). Bốn nam sinh đã vượt qua 140 đối thủ sau các vòng thi tuần, tháng, quý để góp mặt trong trận đấu cuối cùng.

    -4122-1664674158.jpg

    Nguyên Sơn, Nguyên Vũ, Anh Đức và Đình Tùng (từ trái qua) tại trường quay ở Hà Nội sáng nay. Ảnh: Thanh Hằng.

    Đặng Lê Nguyên Vũ, người giành vé đầu tiên vào chung kết, sau khi về nhất cuộc thi quý I với 300 điểm là thí sinh duy nhất không học trường chuyên. Nguyên Vũ đang nắm giữ kỷ lục 160 điểm tuyệt đối trong phần thi Tăng tốc. Nam sinh đánh giá tốc độ là lợi thế của mình.

    Vũ Bùi Đình Tùng nhất quý II, gây ấn tượng bởi vốn hiểu biết rộng, chiến thuật đa dạng. Nam sinh trường chuyên Trần Phú thường có phần Về đích bứt phá, trong đó giành 170 điểm phần thi này trong trận quý II. Sự điềm tĩnh, lạnh lùng và khó đoán của Đình Tùng khiến em trở thành một đối thủ đáng gờm.

    Một lần về nhì với điểm cao nhất, một lần giành chiến thắng tại câu hỏi phụ, hành trình Olympia của Bùi Anh Đức không dễ dàng. Nam sinh trường chuyên Sơn La được các bạn cùng chơi đánh giá là thí sinh khiêm tốn, khó đoán, có khả năng bùng nổ và tạo bất ngờ.

    Vũ Nguyên Sơn cũng phải vượt qua câu hỏi phụ để giành chiến thắng ở cuộc thi quý IV. Em gây ấn tượng với vốn kiến thức xã hội, ngoại ngữ nổi bật. Vượt chướng ngại vật – phần thi mà không nhiều thí sinh đưa ra đáp án đúng chỉ với một dữ kiện gợi ý, nhưng Nguyên Sơn hai lần giành được mức cao nhất 80 điểm. Theo đánh giá của giáo viên chủ nhiệm, bề ngoài, Sơn điềm tĩnh, chừng mực và ít khi bày tỏ thái độ, nhưng ẩn bên trong là một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt và sẵn sàng bùng nổ để toả sáng.

    Đã hơn 10 năm nay, Hà Nội, Hải Phòng chưa có học sinh vô địch Olympia, còn Sơn La và Thái Bình chưa từng có đại diện. Do đó, bốn thí sinh đều đặt quyết tâm lớn, hứa hẹn một trận đấu hấp dẫn.

    Điểm số của bốn thí sinh tham dự trận chung kết Olympia năm thứ 22250250320320235235325325250250260260180180270270300300310310185185170170TuầnThángQuýNguyên VũĐình TùngAnh ĐứcNguyên Sơn0100200300400VnExpressAnh Đức● Tuần: 235

    Theo kết quả bốc thăm ngày 30/9, Đình Tùng sẽ thi đấu ở vị trí đầu tiên. Ba vị trí còn lại là Nguyên Sơn, Nguyên Vũ và Anh Đức. Các thí sinh phải trải qua bốn phần thi: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích. Giải nhất cuộc thi trị giá 40.000 USD (gần một tỷ đồng) cùng vòng nguyệt quế mạ vàng, cúp chiến thắng. Thí sinh đạt giải nhì nhận 100 triệu đồng, hai giải ba mỗi giải 50 triệu đồng.

    Năm nay, lần đầu tiên sân khấu trực tiếp được đặt tại các địa điểm nổi tiếng của từng địa phương: Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn (Thái Bình), Nhà hát lớn Hải Phòng, Quảng trường Tây Bắc (Sơn La) và Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *